Maldives, từ đảo vắng thành thiên đường

Từng bị đánh giá là không có tiềm năng du lịch

Khi nhắc đến Maldives, người ta nghĩ ngay đến thiên đường nghỉ dưỡng với cát trắng mịn, nước biển trong xanh, san hô tầng tầng lớp lớp, hàng dừa đong đưa… Nhưng ít ai biết, trước khi trở thành “thiên đường”, nơi này chỉ là những hòn đảo hoang sơ và bị đánh giá là không có tiềm năng du lịch.

Người dân Maldives vô cùng tự hào về vùng biển có một không hai trên thế giới của họ, nên khi đến đây bạn có thể hỏi bất cứ người nào về lịch sử hình thành, họ cũng sẽ kể cho bạn nghe vanh vách, đầy kiêu hãnh. Rằng bạn biết không? Thiên đường này đã được xây dựng trong sự dè bỉu về một mảnh đất không hề có tiềm năng phát triển du lịch đấy bạn ạ.

Và họ sẽ kể lại cho bạn chuyện về một bản báo cáo kém sáng suốt nhất trong lịch sử du lịch, từ những năm 1960, khi một nhóm các nhà khảo sát du lịch nổi tiếng thế giới đến Maldives, họ đã đưa ra kết quả rằng: nơi đây có quá nhiều thứ cản trở tiềm năng du lịch, như không có ngân hàng, sân bay, không có nước ngọt, thậm chí mạng lưới điện trên các đảo cũng không.

Người đến đây phải dùng tín hiệu morse để liên lạc với bên ngoài. Phương tiện vận chuyển duy nhất chỉ là những chiếc thuyền truyền thống cũ kỹ, chậm chạp. Và lời khuyên từ bản báo cáo ấy là không nên phát triển du lịch ở đây.

Mọi chuyện lẽ ra đã chấm hết nếu như không có cuộc gặp gỡ của nhà thám hiểm người Ý – George Corbin và một người đàn ông Maldvies – Ahmed Naseem. Hai người này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Maldives, khi họ tin rằng nơi đây có thể phát triển thành “thiên đường du lịch” dựa vào yếu tố duy nhất: biển ở đây đặc biệt hơn nhiều nơi khác.

Đó là những bãi cát trắng phẳng lì do hình thành từ san hô chết. San hô ở đây là san hô vòng. Các hòn đảo được hình thành từ những cụm san hô vòng đó. Khi san hô vòng ngày một lớn, chúng sẽ giữ cát lại, đến lúc nào đó sẽ nhô lên khỏi mặt nước và bắt đầu có cây cối phát triển.

Nước biển nơi này dù rất mặn nhưng trong xanh văn vắt, vì diện tích đảo lớn nhất ở đây cũng không đủ không gian tối thiểu để hình thành một dòng chảy nhỏ nhất đủ để gọi là sông nên không có phù sa hoặc cát đất đổ ra, không gây đục màu nước.

Maldives, từ đảo vắng thành thiên đường - ảnh 2
Maldives, từ đảo vắng thành thiên đường - ảnh 3

Và đặc biệt, nước biển có rất nhiều tầng màu như xanh đậm, xanh dương, xanh ngọc… Đồng thời, độ ẩm trong không khí ở Maldives cũng rất thấp, nên đến biển mà du khách không hề thấy rít người vì bị muối biển bám. Những khó khăn như nước ngọt, điện, ngân hàng… là những thứ mà con người hoàn toàn có thể “biến không thành có” dù không dễ dàng.

Thế là họ bắt đầu đầu tư, xây dựng dần, nâng cấp “đảo hoang”. Đến những năm 1990, cuộc cách mạng đầu tiên làm thay đổi ngành công nghiệp du lịch tại Maldives chính là các bungalow được xây dựng trên mặt nước. Sau đó, dần dần những resort đạt tiêu chuẩn 4 – 5 sao mọc lên. Những hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt, hệ thống xử lý chất thải hình thành. Nhà hàng dưới lòng đại dương được xây dựng.

Hàng chục thủy phi cơ, ca nô dành phục vụ riêng du khách được đưa về. Du khách đến đây say đắm bên những bãi cát trắng trải dài, những rạn san hô tuyệt sắc, những hàng dừa đu đưa trước gió… Những đêm trăng tròn vàng óng ả cứ loang loáng trên mặt nước làm tan chảy cả những tâm hồn “lạnh lùng” nhất, và níu chân mãi không thôi những tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn.

Hiện nay, Maldives thu hút rất nhiều nhà tỉ phú, các vị hoàng tử Ả Rập tìm đến nghỉ dưỡng, thậm chí họ sẵn sàng bỏ ra gần cả chục triệu đô la để bao trọn một resort trên một hòn đảo riêng biệt, thỏa thích tận hưởng… 

1.000 USD có tận hưởng được… thiên đường?

Thời gian gần đây, khi Maldives nổi lên như một điểm đến “không thể không đặt chân đến” trong đời người thì có nhiều chia sẻ của giới phượt cho biết không khó để đến “thiên đường” với chi phí chỉ khoảng 1.000 USD.

Maldives, từ đảo vắng thành thiên đường - ảnh 4

Có dịp đến với Maldives, tôi đã không bỏ qua cơ hội tìm hiểu. Kết quả là đến được, nhưng chỉ đứng… ở cửa thiên đường, chứ không thể tận hưởng những trải nghiệm đưa du khách đến “tận mây xanh” của các dịch vụ nơi đây.

Cụ thể, nơi nghỉ đêm của bạn sẽ là những khách sạn, nhà trọ bình dân ở trên đảo Maafusi (nằm trong khu dân cư của người dân địa phương) với mức giá khoảng 80 – 120 USD/đêm; trong khi giá phòng ở water villa hạng 5 sao ở các đảo dành cho khách du lịch ít nhất cũng phải 600 USD/đêm – nơi du khách được tận hưởng cảm giác biển ru ta vào giấc ngủ say bằng tiếng vỗ rì rào, muốn tắm hay ngắm san hô lúc nào thì ngắm.

Còn bãi biển ở Maafusi thì rất bẩn (đầy rác và chất thải của người dân địa phương). Do có nhiều bãi rác nên chiều đến, bạn sẽ thấy hình ảnh những chú quạ đến đậu trên những cây trụi lá… mà buồn não ruột. Khách không tắm được ở đây mà phải bắt ca nô công cộng để đến các khu resort và mua vé vào tắm hoặc ăn uống.

Ẩm thực là những bữa ăn bình dân, không phải những món ăn đặc sản – những món ăn được nâng tầm thưởng thức không chỉ bằng miệng mà còn bằng mắt, được phục vụ tận răng; không thể trải nghiệm cảm giác ngắm Maldives từ trên không bằng thủy phi cơ với hàng trăm hòn đảo chìm nổi với hàng trăm hình thù khác nhau; không thể tận mắt chứng kiến những màn rượt đuổi giành thức ăn của những chú cá mập dũng mãnh mỗi khi đêm về… Tất nhiên, nếu bạn chỉ đủ lựa chọn đến “cửa thiên đàng”, thì cũng không nên bỏ qua cơ hội.

Bạn cũng có thể thích...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.