Thử nghiệm này được anh thực hiện tại Kathmandu, Nepal và khi “đóng giả” ăn xin, anh để dưới chân mình một chiếc mũ và một mảnh giấy với nội dung:
“Tôi vui, hãy lấy nếu bạn buồn, hãy cho nếu bạn vui”. Sau đó tự bỏ vào mũ của anh 15 tờ 5 rubi (khoảng 15.000VNĐ) để ai đó lấy nếu họ buồn.
Theo anh Quỳnh, vị trí anh chọn chỗ để “xin” tiền cũng gần với những người ăn xin khác. Thế nhưng thay vì thực hiện theo cách truyền thống, cách thức của anh Quỳnh lại gây bất ngờ cho nhiều du khách cũng như người dân địa phương và thậm chí là cả những “đồng nghiệp” tại Nepal.
Anh Quỳnh cho rằng những người ăn xin xung quanh chỉ được trung bình 5-20 rubi trong khi anh được cho từ 5-200 rubi. Và sau khi đã có kha khá tiền, anh bắt đầu vẫy những người ăn xin xung quanh sau đó cho họ tiền.
Và thật bất ngờ, khi cho tiền những người ăn xin khác, khu vực của anh Quỳnh càng đông đúc hơn. Anh cho rằng mình trở thành hiện tượng lạ ở đây và sau khi cho người khác, anh nhận được càng nhiều hơn. Hành động của anh Quỳnh bắt đầu làm những người ăn xin khu vực này thắc mắc.
Chỉ sau nửa tiếng “đóng giả” ăn xin, anh Quỳnh nhận được tới 3 nghìn rubi (hơn 600.000VNĐ) và đây là số tiền kỉ lục mà nhiều người ăn xin khác ở đây từng nhận được.
Sau cùng, khi đám đông ngày một lớn hơn, anh Quỳnh rời khỏi vị trí ngồi của mình vì lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tới giao thông. Số tiền mà anh nhận được sau khi “đóng giả” ăn xin được phân phát phần lớn cho những người ăn xin khác trong khu vực, anh giữ lại một phần nhỏ mua đồ lưu niệm để ghi lại kỉ niệm đóng giả ăn xin của mình.
Nghèo là thế, khổ là thế nhưng những người dân sinh sống cùng khách du lịch tại Nepal luôn giữ cho mình một phong cách sống đẹp, sẽ ra sao nếu một thử nghiệm xã hội tương tự được thực hiện ở Việt Nam?
Theo Cafebiz