Cuối tháng 3, đầu tháng 4, không chỉ người dân Nhật Bản mà cả người dân thế giới đều nhắc tới hoa anh đào bung nở, khoe màu tinh khiết.
Anh đào – linh hồn tái sinh
Hoa anh đào nở trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, trải dọc theo các khu vực của Nhật Bản từ Nam tới Bắc (miền bắc do lạnh nên hoa anh đào thường nở muộn hơn). Hoa anh đào nở sớm nhất ở khu vực Okinawa rồi tới khu vực miền Trung Nhật Bản như Kyusyu, Kanto và kết thúc ở khu vực Hokkaido (phía bắc Nhật Bản).
Và thời kỳ đẹp nhất là đầu tháng tư, nghĩa là thời kỳ hoa nở rộ (mankai). Đây đúng là thời điểm đẹp nhất cho việc ngắm hoa anh đào, mà người Nhật gọi là Hanami. Hiện theo thống kê sơ bộ, Nhật bản có khoảng hơn 1 triệu cây hoa anh đào trên khắp toàn quốc.
Mùa anh đào nở rộ cũng báo hiệu mùa xuân bắt đầu – mùa của những mầm xanh lộc biếc, mùa của hy vọng.
Hoa anh đào báo hiệu mùa xuân. |
Cũng như mọi năm, ở Nhật Bản, công việc như bị chững lại để dành trọn cho các buổi picnic ngắm hoa anh đào hanami, lễ hội hanami hay các sự kiện khác liên quan tới hoa anh đào. Năm nay do thời tiết ấm áp hơn mọi năm, nên hoa anh đào nở sớm hơn và lễ hội ngắm hoa ở từng địa phương cũng sớm hơn.
Mọi người trong công sở sẽ gác lại công việc để đến một công viên nào đó ở Tokyo hay Kyoto, Tochigi… ăn uống, vui vẻ bàn chuyện và thực sự thư giãn dưới những tán hoa anh đào nở rộ, phảng phất mùi hương thơm nhẹ.
Có một quy định quan trọng được đặt ra, đó là: không được hái các cánh hoa, để cho vẻ đẹp của nó được mọi người thưởng thức. Người ta cũng cho rằng những cánh hoa anh đào rơi là những linh hồn được tái sinh của những chiến binh đã ngã xuống và bạn không nên có bất kỳ tác động nào lên đó.
Người Nhật luôn dành thời gian đi ngắm hoa anh đào. |
Dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân ở Nhật Bản là khi bản tin thời tiết trên tivi chiếu bản đồ quốc gia cho thấy những nơi hoa anh đào nở. Từ thời điểm đó, tất cả các bản tin thời tiết sẽ theo dõi diễn biến nở rộ của hoa anh đào trên khắp nước Nhật cho đến tận khi những cánh hoa cuối cùng đã tàn.
Người Nhật xem bản tin dự báo hoa anh đào nở, hay còn gọi là “sakura zensen”, một cách vô cùng nghiêm túc. Vì hoa anh đào nở rộ chỉ tồn tại trong khoảng vài ngày cho đến gần một tuần, tùy thuộc vào thời tiết nếu có gió và mưa. Do đó việc biết chính xác những ngày nào là ngày thật hoàn hảo cho “hanami”, nghĩa là ngắm hoa (hana nghĩa là hoa, mi nghĩa là ngắm) là cực kỳ quan trọng.
Hoa anh đào nở đúng vào mùa xuân – thể hiện một sự phát triển mới, thịnh vượng mới. Người Nhật tin rằng hoa anh đào đem lại nhiều may mắn.
Năm học mới của Nhật Bản cũng bắt đầu vào tháng 4, mùa hoa anh đào mãn khai, nở rộ nhất và đẹp nhất. Do vậy, Nhật Bản cũng hy vọng mùa anh đào nở cũng gắn kết với sự trưởng thành viên mãn nhất của cuộc đời một con người.
Cái đẹp say đắm và cao cả
Có truyền thuyết cho rằng hoa anh đào – sakura là cách gọi từ Sakuya là tên của nữ thần Konohara Sakuya- một vị thần trong tác phẩm văn học cổ của Nhật Bản có tên là Cổ sự ký- Kojiki. Vị thần này là người đầu tiên đã gieo hạt hoa anh đào trên núi Phú sĩ, do vậy được suy tôn là nữ thần Sakura. Vị nữa thần này có sắc đẹp tuyệt trần tựa hoa, và khi hoa anh đào nở cũng đẹp vô cùng, làm say đắm nhân gian. Và người Nhật Bản tin rằng hoa anh đào Sakura bất nguồn từ đó.
Hoa anh đào Nhật bản đã được nhân giống thành công ở Mỹ và Hàn Quốc. Ở hai nước này tuy việc ngắm hoa anh đào chưa trở thành lễ hội có quy mô lớn như ở Nhật Bản, nhưng cũng là một nét văn hóa đẹp trong văn hóa của mỗi nước.
Đối với người Nhật Bản, hoa anh đào không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao mà còn là nỗi buồn về sự ngắn ngủi, phù dung và tính khiêm nhường, nhẫn nhịn. Cây hoa anh đào đem tặng được xem như biểu tượng hòa bình của nước Nhật với các nước khác trên thế giới. Hoa anh đào mọc ở Triều Tiên và Mỹ không có mùi hương. Trong khi đó, ở Nhật Bản, người ta ngợi ca hương thơm của hoa anh đào trong những vần thơ. Trong ngôn ngữ Nhật, nhất là trong thơ ca, chữ ”hana” (hoa) và ”sakura” hầu như đồng nghĩa.
Hoa anh đào thể hiện vẻ đẹp thanh cao, thuần khiết nhưng cũng hùng hồn, tượng trưng cho tính cách của người Nhật Bản. |
Hoa anh đào rụng một cách khoan dung, buồn bã và hùng hồn. Khoan dung vì chỉ sau vài ngày nở sẽ là hoa bắt đầu héo; buồn là vì nó nhắc nhở đến cuộc đời mong manh và ngắn ngủi. Hùng hồn vì bông hoa có cuộc đời ngắn ngủi này đã khẳng định một nét thẩm mỹ đáng tự hào của người Nhật Bản rằng những gì đẹp trong thiên nhiên cũng như trong cuộc đời thường hiếm khi tồn tại lâu, rằng chính sự tàn phai sớm cũng là một nét đẹp, nó tắt lụi đúng đỉnh cao rực rỡ của mình, đã thể hiện một cái đẹp cao cả nhất.
“Mỹ nhân” ngoại giao
Hoa anh đào thể hiện vẻ đẹp thanh cao, thuần khiết nhưng cũng hùng hồn, tượng trưng cho tính cách của người Nhật Bản. Do vậy, nó trở thành nét đẹp văn hóa.
Truyền thông nước ngoài đã nói rất hay rằng Nhật Bản đã dùng hoa Anh đào để “mê hoặc” con người, để thực hiện chính sách ngoại giao. Thực ra không có khái niệm ngoại giao hoa anh đào, mà khái niệm này dựa trên nguồn gốc của khái niệm ngoại giao văn hóa. Đây là khái niệm khó và rộng, nhưng có thể nói đơn giản nhất là Nhật Bản muốn quảng bá, gây ảnh hưởng của nền văn hóa đẹp dân tộc mình (hoa anh đào chỉ là một trong nhiều cái đẹp văn hóa mà Nhật Bản sở hữu) đến với thế giới, khiến các nước phải thừa nhận và tiếp nhận.
Và văn hóa ở đây được coi như yếu tố để thúc đẩy phát triển của dân tộc. Việt Nam cũng đã coi phát triển văn hóa là một trong những trụ cột để phát triển đất nước.
Hoa anh đào của Nhật Bản vừa có sắc, vừa có hương, khác với các loại hoa anh đào trên thế giới. Mặt khác, hoa anh đào lại được khoác lên một triết lý sâu sắc, một tinh thần dũng mãnh, do vậy nó là niềm tự hào của Nhật Bản để có thế “khoe” với thế giới. Hoa anh đào không chỉ nói trên bàn ngoại giao, mà nó đã hiện hữu trong tâm thức của cả nhân loại. Đó là thành công tuyệt vời của Nhật Bản khi đưa văn hóa Nhật Bản, văn hóa ngắm hoa anh đào đến với thế giới.